CẦN XEM XÉT LẠI THỦ TỤC MUA NHÀ Ở XÃ HỘI CHO NGƯỜI THU NHẬP THẤP
Sáng ngày 24/9, tại Hội trường Thành ủy (TP.HCM) đã diễn ra hội thảo “Giải pháp an cư cho công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” xoay quanh vấn đề an cư của lực lượng công nhân, người lao động, vai trò của các Bộ ban ngành, chính quyền địa phương cũng như những giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội (NƠXH).
Sự kiện được tổ chức bởi Báo Tiền Phong với sự tham gia của ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ xây dựng, ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, ông Quách Cường - Phó bí thư Đảng ủy Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM, ông Lê Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, các vị lãnh đạo địa phương TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh; ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam và một số đơn vị khác.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm TP.HCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang) tiếp tục là vùng kinh tế động lực đầu tàu của cả nước, trung tâm kinh tế của khu vực và châu Á, tập trung nguồn nhân lực hàng triệu công nhân, người lao động. Do đó, nhu cầu nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp ở các khu vực này đang rất lớn, nhưng vướng mắc lớn nhất hiện nay là về thủ tục, nguồn vốn và cơ chế để doanh nghiệp tích cực tham gia.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng cho biết: “Nhà ở cho công nhân hiện đã hoàn thành 100 dự án, quy mô 41.000 căn với tổng diện tích hơn 2 triệu m2, bố trí chỗ ở cho khoảng 330.000 người. Các địa phương đang tiếp tục triển khai 73 dự án với khoảng 88.000 căn hộ, bố trí chỗ ở cho hơn 700.000 người. Những địa phương đông lao động và có nhu cầu NƠXH cao là: TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương. Kết quả đạt được so với nhu cầu của người lao động chỉ như “muối bỏ bể”.
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Ninh, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai các dự án NƠXH nói chung và nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp nói riêng là do gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng đã kết thúc nhưng ngân sách Nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn để cấp bù lãi suất.
Ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho biết, hiện nay, tỷ lệ lao động nhập cư ở các khu công nghiệp (KCN) trên 50%. Một số địa phương có tỷ lệ lao động nhập cư cao như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và lao động ngoại tỉnh chiếm tới 70% tổng số lao động trong các KCN. Trong khi đó, hiện nhà ở cho công nhân lao động hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu thuê, mua. Vì vậy, vấn đề xây dựng và đáp ứng nhu cầu về nhà ở khu vực này càng trở nên bức xúc.
Tham dự thảo luận tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam chia sẻ: “Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách và chương trình hỗ trợ việc mua nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp nói chung và công nhân lao động nói riêng. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều chính sách chưa được áp dụng triệt để, phần nhiều các chương trình khi áp dụng không mang lại nhiều hiệu quả. Đặc biệt, chúng ta cần xem xét lại các điều kiện và thủ tục mua nhà ở xã hội. Trong đó, những thủ tục chứng minh thu nhập cho người mua nhà còn khá nhiêu khê và tốn thời gian đang rất cần được sửa đổi.”
“Lý do của việc siết chặt luật định là do vẫn còn tồn tại những cá nhân lợi dụng quy định về nhà ở xã hội để mua đi bán lại nhằm trục lợi. Điều này hoàn toàn có thể được kiểm soát và giải quyết bằng các công tác quản lý thị trường bất động sản. Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, cần chú ý đến nhà cho công nhân lao động thuê. Trước đây đã từng có những điển hình thành công ở Bình Dương, cần học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, chương trình về nhà ở cần tính đến chuyện lâu dài bền vững hơn", ông Nguyễn Hoàng cho biết thêm.
An cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống là ước muốn của hàng triệu công nhân lao động cả nước. Tuy nhiên, để ước mơ ấy thành hiện thực, đòi hỏi phải có sự chung tay của Chính phủ, Nhà nước, các bộ ban ngành, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.